Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rượu
Theo giải thích tại Điều 2 Luật phòng chống tác hại của rượu bia: Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rượu được ghi nhận tại Điều 15 Luật phòng chống tác hại của rượu bia:
Điều kiện cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh. Có 02 điều kiện cơ bản:
Một là, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
Hai là, bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Đây là điều kiện cơ bản đối với mọi hoạt động sản xuất rượu, bia.
Đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên làm thủ tục cấp giấy phép theo quy định.
Điều kiện đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Có 02 điều kiện sau:
Một là, có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở sản xuất.
Hai là, bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất. Thực hiện kê khai theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 26/2019/TT-BCT ngày 14/11/2019 đến UBND cấp xã nơi hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu.
Đối với thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ và thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo Mẫu số 13 & 14 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020.