Bệnh Sởi và các biện pháp phòng bệnh
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, hay xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy bệnh dễ lây thành dịch. Giai đoạn người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác là từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau giai đoạn phát ban của người bệnh.
Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất.
Theo số liệu báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tích luỹ số ca mắc sởi từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Đăk lăk ghi nhận 190 trường hợp mắc tại 14/15 huyện/thị xã/thành phố (Thành Phố Buôn Ma Thuột: 16, Lắk: 02, Cư Kuin: 09, Krông Ana: 05, Krông Búk: 05, Ea Kar: 04, Buôn Hồ: 01, Buôn Đôn: 50, Krông Pắc: 35, Cư M’gar: 03, Ea H’leo: 06, Ea Súp: 23, Krông Năng: 01, M’Drắk).
Ảnh minh hoạ
Cách phòng tránh bệnh
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.
Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.
Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
Uống đầy đủ nước mỗi ngày.
Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.