CÁCH PHÒNG BỆNH DO VI RÚT NIPAH (thông tin từ WHO và Bộ Y tế)
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại ổ dịch ở một trang trại lợn ở Malaysia; đến năm 2001, bệnh do vi rút Nipah được ghi nhận đầu tiên trên người tại Bangladesh và sau đó ghi nhận tại Ấn Độ.
Bệnh do vi rút Nipah là bệnh có thể lây truyền qua nhiều cách khác nhau như: lây truyền từ động vật sang người do tiếp xúc với thực phẩm bị nhiễm vi rút (do ăn quả và sản phẩm làm từ các loại quả có nhiễm nước tiểu, nước bọt của dơi mang vi rút) và bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người (qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, dịch bài tiết của bệnh nhân). Vật chủ chứa vi rút Nipah là loài dơi ăn quả (chi Pteropus ), còn được gọi là cáo bay.
Ảnh minh hoạ
Thời gian ủ bệnh trong khoảng 4- 14 ngày; bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng hoặc dẫn đến tử vong. Người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, nôn, đau họng. Bệnh có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm não với diễn biến nhanh trong vòng 24- 48 giờ. Tỷ lệ chết/mắc chung toàn cầu khoảng 40-75%.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh do vi rút Nipah cho cá nhân
- Thực hành rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
- Tránh tiếp xúc với dơi hoặc lợn bị bệnh.
- Tránh những nơi dơi thường trú ngụ.
- Tránh ăn hoặc uống các sản phẩm có thể bị ô nhiễm bởi dơi, chẳng hạn như nhựa cây chà là sống, trái cây sống hoặc trái cây được tìm thấy trên mặt đất.
- Tránh tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của bất kỳ người nào được biết là bị nhiễm vi rút Nipah.